Lịch sử Triển lãm Giảng Võ

Triển lãm Giảng Võ được thành lập vào năm 1974 với địa chỉ tại số 148 đường Giảng Võ, quận Ba Đình với nhiệm vụ là tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế – kỹ thuật của Việt Nam cùng các sự kiện văn hóa, xã hội của Hà Nội và các Bộ, ngành Trung ương.[1] Ngay từ khi thành lập, Triển lãm Giảng Võ đã được hoạt động khác hẳn thời kỳ trước khi mà kinh phí tổ chức triển lãm đều lấy từ ngân sách Nhà nước Việt Nam. Một thông tin cho biết ý tưởng xây dựng khu triển lãm tại Việt Nam có từ năm 1962 nhưng do phải tập trung cho cuộc chiến tranh Việt Nam nên chưa thể thực hiện.[2] Ngay sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, đã có cuộc triển lãm lớn đầu tiên tại Giảng Võ với chủ đề mang tên "30 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" và để chào mừng tổng tuyển cử Quốc hội Việt Nam khóa V cũng như mừng Việt Nam hòa bình, một triển lãm mang tên "Nước Việt Nam là một" đã diễn ra. Sau sự kiện chiến tranh biên giới Việt–Trung năm 1979, tại Giảng Võ đã có triển lãm "Chiến thắng Trung Quốc xâm lược" nhằm ca ngợi, phản ánh cuộc chiến này.[2]

Năm 1982, Triển lãm Giảng Võ có sự thay đổi đáng kể về mục tiêu triển lãm, trong đó đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Ngoài việc được sử dụng để tuyên truyền, biểu dương những thành tích, thắng lợi, nơi đây còn tạo điều kiện cho các tổ chức trên toàn Hà Nội và khách quốc tế đến thực hiện những hoạt động kinh doanh như trưng bày, quảng cáo, giao dịch và ký kết hợp đồng kinh tế.[2] Sau đó, địa điểm này được đổi tên thành Trung tâm Triển lãm thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam. Cũng trong giai đoạn được sử dụng để trưng bày thành tựu về kinh tế và kỹ thuật, đã có nhiều triển lãm hai năm một lần được diễn ra thường xuyên như "Triển lãm Thành tựu kinh tế kỹ thuật Việt Nam" 2 lần hay "Triển lãm Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam" với 4 lần. Ngoài ra, một số triển lãm chuyên đề đáng chú ý khác có thể kể đến như "40 năm bảo vệ chính quyền cách mạng", "Hội chợ triển lãm Hà Nội" kỷ niệm 30 năm sự kiện tiếp quản Thủ đô Hà Nội, "Triển lãm Quốc gia Liên Xô" kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng tháng Mười và nhiều cuộc triển lãm khác.[2]

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam

Năm 1989, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ được đổi tên chính thức là Trung tâm Hội chợ Việt Nam, được coi là năm trở thành dịch vụ cho cả Việt Nam và các thành phần kinh tế, tổ chức chính trị, đồng nghĩa với việc nơi đây có quyền thu kinh phí để tổ chức triển lãm. Không những thế, sau khi hạch toán kinh doanh. trung tâm này còn phải đóng các khoản thuế cho Nhà nước. Với phương thức hoạt động mới này, nơi đây nhanh chóng trở thành doanh nghiệp Nhà nước hạch toán kinh tế độc lập vào năm 1995, có chức năng như một công cụ nhằm thông qua tổ chức triển lãm để phục vụ giai đoạn Đổi Mới của Việt Nam.[2]

Với cơ chế, phương thức hoạt động này, trong vòng 10 năm từ 1990 đến 1999, số lần tổ chức triển lãm cũng như số lần tổ chức có yếu tố quốc tế tham gia đều tăng. Từ năm 1996 đến 1999, mỗi năm tổ chức 14 đến 15 triển lãm, trong đó có tới 9 triển lãm có các cơ sở nước ngoài tham gia.[2] Trong giai đoạn 2000 đến 2015, năm tiến hành cổ phần hóa VEFAC hoạt động của VEFAC vẫn diễn ra khá mạnh mẽ với hơn 30 triển lãm đã được ghi nhận.[2]

Sau hơn 40 năm tồn tại, Triển lãm Giảng Võ đã chính thức dừng hoạt động vào đầu năm 2016.[1] Khu triển lãm Giảng sau đó đã bị san lấp để xây dựng công trình khác nhưng chưa có khu vực thay thế nên các cuộc triển lãm, các sự kiện lớn thường được tổ chức ở Giảng Võ cũng ít đi đáng kể, kéo theo hiệu quả kinh tế xã hội suy giảm.[3]

Khu đất sau khi phá dỡ

Sau khi Triển lãm Giảng Võ bị phá dỡ, khu đất này được xem là khu "đất vàng hiếm hoi" còn lại giữa trung tâm Hà Nội và được nhiều nhà đầu tư chú ý đến. Theo báo Vietnamnet ghi nhận, để sở hữu khu đất này, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 4.000 tỷ đồng tiền vốn để hoàn thiện dự án Nhật Tân – Nội Bài và bàn giao hoàn toàn lại cho VEFAC khai thác sử dụng, ngoài ra còn phải đối mặt với áp lực lớn về tiến độ và các tiêu chuẩn khắt khe khác.[4] Quá trình cổ phần hóa VEFAC đã diễn ra một cách được xem là "khá đặc biệt" và là lần đầu tiên ở Việt Nam mà việc cổ phần hóa gắn với ràng buộc phải tiến hành các dự án.[5] Tới tháng 4 năm 2015, khu vực đất đã thuộc về Vingroup sau khi tập đoàn này mua gần 90% cổ phần Triển lãm Giảng Võ.[6] Tập đoàn Vingroup mới đây vừa công bố quyết định chính thức về việc góp gần 1.500 tỷ đồng thành lập Công ty cổ phần Trung tâm hội chợ triển lãm Hà Nội – doanh nghiệp sở hữu 7 hecta đất trên triển lãm Giảng Võ cũ.[7]

Tổ hợp Trung tâm Thương mại, vui chơi, giải trí mới trên khu đất 7 hecta này được khởi công xây dựng vào tháng 7 năm 2016.[1] Sau đó vài tháng, nhân dịp kỷ niệm 62 năm sự kiện Tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Công ty cổ phần Hội chợ Triển lãm Việt Nam – một thành viên Tập đoàn Vingroup đã tổ chức lễ động thổ dự án Trung tâm hội chợ Triển lãm quốc gia với quy mô lớn nhất châu Á.[8] Theo đó dự kiến quy hoạch của khu triển lãm mới này sẽ có diện tích 300 hecta tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.[9]

Thủ tướng Việt Nam sau đó đã ra thông báo việc khai thác quỹ đất tại 148 Giảng Võ cần phải đạt mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển một khu đô thị hiện đại, không gây tắc nghẽn giao thông trong khu vực và có quy mô dân số theo đúng quy định hiện hành.[10] Dự án mới tại 148 Giảng Võ sau đó đã chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 theo phê duyệt của từ Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.[11] Tuy vậy tới tháng 7 năm 2022, khu đất này sẽ không xây chung cư 50 tầng nữa mà chuyển sang làm trung tâm dịch vụ, thương mại, văn hóa theo Phó chủ tịch Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin.[12][13] Cũng trong phiên họp vào cùng tháng, dự kiến năm 2023, nơi đây sẽ được triển khai xây dựng khách sạn, văn phòng.[14] Cuối năm 2022, sau nhiều năm được phá bỏ, khu vực này hiện vẫn trong cảnh quây tôn, bỏ hoang, cỏ lau mọc rập và bị chậm tiến độ đầu tư.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Triển lãm Giảng Võ http://antt.vn/dat-vang-giang-vo-chinh-thuc-ve-tay... https://vnexpress.net/khong-xay-chung-cu-o-khu-dat... https://web.archive.org/web/20230217161643/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161644/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161645/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161645/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161645/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161646/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161646/https:/... https://web.archive.org/web/20230217161647/https:/...